0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693
05 VẤN ĐỀ VỀ THỦ TỤC NHẬP KHẨU, TÁCH, CHUYỂN KHẨU, ĐIỀU CHỈNH THAY ĐỔI HỘ KHẨU
 
1. THỦ TỤC NHẬP KHẨU CHO CON VÀO HỘ KHẨU CỦA NGƯỜI THÂN (NGOÀI CHA MẸ)
Tại Điều 19 Luật Cư trú quy định về Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh, “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú ở tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, nhượng, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 6 Thông tư 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cả cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Do đó, trường hợp muốn con đăng ký thường trú vào hộ khẩu của người thân (ngoài cha mẹ) thì phải được chủ hộ đồng ý cho nhập vào hộ khẩu và phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cả cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. 
Thủ tục đăng ký thường trú gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2004/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Văn bản đồng ý của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã.
 
2. THỦ TỤC NHẬP KHẨU THƯỜNG TRÚ VỢ THEO CHỒNG
Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định về hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thi không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ nêu trên.
Vì vậy, trường hợp vợ nhập về với chồng thì không cần xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mối quan hệ vợ chồng.
 
3. THỦ TỤC TÁCH SỔ HỘ KHẨU
Điều 27 Luật Cư trú về tách sổ hộ khẩu quy định: “Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:
- Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;
- Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3, Điều 25 và khoản 2, Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.”
Như vậy, nếu người có nhu cầu tách khẩu có năng lực hành vi dân sự đầy đủ khẩu thì sẽ được giải quyết tách sổ hộ khẩu trong cùng một chỗ ở hợp pháp (không yêu cầu người tách sổ hộ khẩu phải có chỗ ở hợp pháp khác). Khi đến tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
 
4. THỦ TỤC THAY ĐỔI THÔNG TIN CÁ NHÂN TRONG SỔ HỘ KHẨU
Tại Khoản 2 Điều 29 Luật cư trú ngày 11/7/2013 đã quy định cụ thể: “Trường hợp có thay đổi về  họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong sổ hộ khẩu thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được ủy quyền phải làm thủ tục Điều chỉnh. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.”
Như vậy, trường hợp thay đổi thông tin cá nhân trong sổ hộ khẩu thì phải đến cơ quan Công an Quận nơi đăng ký thường trú làm thủ tục về việc thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu và phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
 
5. THỦ TỤC NHẬP HỘ KHẨU KHI MUA NHÀ CHUNG CƯ
Tại khoản 1 Điều 23 Luật Cư trú quy định: “Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp, khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới nếu có đủ Điều kiện đăng ký thường trú thì trong thời hạn 12 tháng có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú”.  Mặt khác, theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ- CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính Phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú trong đó có quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau: “Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán”.
Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
- Bản khai nhân khẩu;
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Giấy chuyển hộ khẩu;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
----------------------------------------------
VPLS TRIỂN LUẬT