0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

HỢP ĐỒNG TIỀN HÔN NHÂN - GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI VỀ TÀI SẢN CHO CÁC BÊN

TRONG CÁC VỤ ÁN LY HÔN

  • Vấn đề xác định công sức đóng góp để chia tài sản tranh chấp khi ly hôn luôn là một vấn đề nan giải đối với các Thẩm phán phụ trách vụ việc. Hiện nay có nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp tài sản, thời gian kiện tụng kéo dài, chưa có hồi kết và rất tốn kém. Như ba năm kiện tụng, tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (cà phê Trung Nguyên); vụ ly hôn 2.000 tỷ đồng (nhà đất, xe sang, cổ phần đầu tư) giữa ông Trần Văn Mười – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao và bà Phạm Thị Hương – Phó Giám đốc Công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương đến nay cũng chưa có hồi kết do chưa đạt được thỏa thuận phân chia tài sản; vụ tranh chấp tài sản 10.000 tỷ đồng (tài sản chung, nhà đất ở, công nợ chung không được Tòa án phân chia rõ ràng) giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy (Tập đoàn Bảo Sơn)…

=> Có thể thấy, việc phân chia tài sản sau ly hôn là vướng mắc trong hầu kết các vụ án ly hôn trong thời gian gần đây như phân chia tài sản chung, tài sản riêng trước và sau khi kết hôn, trách nhiệm với con cái…

 

  • Vì vậy, xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản hay còn gọi là hợp đồng tiền hôn nhân là một giải pháp giúp vấn đề phân chia tài sản, trách nhiệm thuận lợi hơn, các tranh chấp sẽ được giải quyết dễ dàng hơn, tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
  • Về chế độ tài sản của vợ chồng, bên cạnh chế độ tài sản vợ chồng theo Luật định, thì Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã thừa nhận thêm một chế độ tài sản so với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 là chế độ tài sản theo thỏa thuận. Chế độ tài sản theo thỏa thuận (hay còn gọi là chế độ tài sản ước định), là tập hợp các quy tắc do chính vợ, chồng xây dựng nên một cách hệ thống trên cơ sở sự cho phép của Pháp luật để thay thế cho chế độ tài sản Luật định nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng.
  • Chế độ tài sản này được quy định như một điểm mới rất tiến bộ trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tồn tại song song cùng với chế độ tài sản theo Luật định (được áp dụng khi vợ chồng không xác lập chế độ tài sản theo thoả thuận). Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật Hôn nhân và Gia đình.

=> Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo Luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký kết hôn. Vì vậy, khi ly hôn mà có yêu cầu chia tài sản chung thì Tòa án sẽ xem xét, nếu có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định áp dụng theo Luật định, những thỏa thuận có hiệu lực vẫn được tôn trọng và thực hiện.

=> Như vậy, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận đã đáp ứng kịp thời những mong muốn, nguyện vọng của người dân nói chung (vợ chồng nói riêng) trong đời sống xã hội; bảo đảm sự ổn định, trật tự trong các giao lưu dân sự giữa các cá nhân với nhau.

  • Mặc dù những quy định về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành của Luật Hôn nhân và Gia đình vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đi sát vào thực tiễn cuộc sống, vẫn còn có những hạn chế, bất cập cần phải được nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới nhưng nó cũng là một biện pháp tốt nên cân nhắc trong xã hội ngày nay.

 

TRIENLUATLAW