0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

Tại thời điểm khai nhận di sản và/hoặc thực hiện phân chia di sản thừa kế, không phải trường hợp nào cũng đầy đủ những người được thừa kế. Trên thực tế, có rất nhiều lý do và tình huống khác nhau, có thể có những lý do “khách quan”, nhưng cũng có những lý do rất “chủ quan”; có những trường hợp là “vô ý”, nhưng không phải không có những trường hợp “cố ý”, vì động cơ cá nhân hoặc tư lợi nào đó, hoặc cũng có thể để né tránh hoặc giản lược những rắc rối về thủ tục giấy tờ phát sinh trong quá trình khai nhận/phân chia di sản thừa kế, dẫn đến bỏ sót đồng thừa kế. Và nay, vì lý do nào đó, người bị bỏ sót đã xuất hiện, và đòi lại quyền lợi của mình.

Vậy, quy định của Pháp luật trong trường hợp này như thế nào? Có những di sản là nhà cửa, đất đai, hiện vật có giá trị (có thể còn, có thể không còn tồn tại hoặc đã chuyển giao cho người thứ ba khác) thì giải quyết ra sao?

 

1. Thế nào là người thừa kế mới?

  • Thứ nhất, đối với phân chia di sản được giải quyết theo pháp luật, người thừa kế mới được hiểu là những người thừa kế của người để lại di sản xuất hiện sau khi di sản đã được phân chia, bao gồm những người sau đây: 
  • Con của người để lại di sản sinh ra và còn sống sau thời đỉểm di sản thừa kế được phân chia (trong trường hợp thai đôi, thai ba … nhưng thời điểm phân chia di sản chỉ xác định thai một).
  • Người được tòa án xác nhận là con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản nhưng quyết định hoặc bản án của tòa án có hiệu lực sau thời điểm phân chia di sản.
  • Con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản đã bị tòa án tuyên bố là đã chết trước thời điểm người để lại di sản chết mà có tin tức xác thực là còn sống hoặc đã trở về sau thời điểm phân chia di sản.
  • Nếu di sản được chia cho hàng thừa kế thứ hai và thứ ba, thì người thừa kế mới ở các hàng thừa kế này được xác định như trên
  • Thứ hai, đối với thừa kế theo di chúc, người thừa kế mới được hiểu là những người thừa kế theo di chúc của người để lại di sản, tuy nhiên, tại thời điểm mở thừa kế, di chúc của người để lại di sản bị thất lạc/bị che giấu dẫn đến phải chia di sản thừa kế theo pháp luật.

 

2. Phân chia di sản thế nào khi có người thừa kế mới?

Điều 662 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

“Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

  • Quy định này tạo sự dễ dàng, thuận lợi trong việc phân chia di sản thừa kế khi người thừa kế mới xuất hiện sau thời điểm phân chia di sản thừa kế, mang lại sự công bằng dù trễ/muộn cho người có quyền lợi ích hợp pháp.
  • Quyền được phân chia lại, thì tương ứng với nghĩa vụ cũng được xem xét để đảm bảo sự công bằng cho các đồng thừa kế với nhau.
  • Việc thỏa thuận giữa người thừa kế mới và những người thừa kế khác sẽ được lập thành văn bản theo các căn cứ và nguyên tắc Luật định.

 

3. Phân chia di sản thế nào khi có người thừa kế mới đối với trường hợp di chúc bị thất lạc?

Điều 642 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

3. Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, trường hợp di sản đã chia mà tìm thấy di chúc thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu.”

 => Như vậy, sẽ có các trường hợp như sau:

  • Một, nếu di chúc bị thất lạc tại thời điểm mở thừa kế thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
  • Hai, nếu dị chúc bị thất lạc, di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.
  • Ba, nếu di chúc thất lạc, di sản đã chia mà tìm thấy di chúc trong thời hiệu yêu cầu chia di sản (30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế) thì phải chia lại theo di chúc nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hết thời hiệu yêu cầu chia di sản mà di chúc vẫn chưa được tìm thấy thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

 

4. Kết luận:

  1. Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân. Chính vì vậy, việc xác định người thừa kế và di sản thừa kế là một trong những vấn đề quan trọng mà người dân cần phải đặc biệt quan tâm để đảm bảo đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ, thậm chí là trách nhiệm của mình.
  2. Cá nhân nào thực hiện việc che giấu di chúc và/hoặc che giấu đồng thừa kế thì phải có trách nhiệm hoàn trả lại phần quyền và nghĩa vụ (nếu có) cho đồng thừa kế mới; trường hợp việc che giấu di chúc và/hoặc che giấu đồng thừa kế này và gây thiệt hại cho người thừa kế mới thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định Pháp luật.

TrienLuatLaw.