0903.121.676 / 077.682.0693
0903.121.676 / 077.682.0693

Hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia có số lượng lớn người lao động làm việc ở nước ngoài, nhất là trong các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan … Mới đây vào tháng 10/2019, cả nước dường như rúng động với việc có 39 người Việt Nam đã chết trên container tại Anh trong quá trình di cư lao động bất hợp pháp sang nước khác khiến cộng đồng Việt Nam và thế giới hoang mang và tự hỏi Pháp luật có cơ chế nào bảo vệ quyền lợi cho những người lao động nhập cư này không? Trường hợp họ đi lao động hợp pháp thì sao?, bất hợp pháp thì sao?. Vì thực tế cho thấy việc người Việt Nam tham gia lao động ở nước ngoài vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc và đặc biệt là rủi ro trong quá trình lao động, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, xuất phát từ nhiều hoàn cảnh và ước mơ khác nhau, nên người lao động bất chấp tất cả, kể cả tính mạng của bản thân để tìm kiếm việc làm và tương lai ở chân trời khác.

 

 

 

A.    Trường hợp xuất khẩu lao động hợp pháp:

-          Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thể hiểu là quy trình bắt đầu từ chủ thể đưa người lao động đi nước ngoài (Bên B) tìm kiếm ứng viên phù hợp cho đối tác nước ngoài đang có nhu cầu tuyển dụng về lao động (Bên A), sau đó sẽ làm thủ tục cho người lao động (Bên C) nhập khẩu vào nước tiếp nhận. Sau khi người lao động kết thúc hợp đồng với bên đối tác nước ngoài thì sẽ trở về Việt Nam. Thông qua đó có thể thấy sẽ có các loại hợp đồng được ký kết giữa các bên bao gồm hợp đồng cung ứng lao động (giữa Bên A và Bên B), hợp đồng đưa người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (giữa Bên B và Bên C) và hợp đồng lao động giữa người lao động với chủ thể có nhu cầu tuyển dụng tại nước ngoài (giữa Bên A và Bên C).

-          Để bảo đảm thuận lợi, an toàn cho người lao động và xác định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, pháp luật Việt Nam có một số quy định về vấn đề này tại Bộ Luật lao động 2012, 2019; Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, các văn bản pháp luật và các điều ước quốc tế song phương, đa phương giữa Việt Nam và các nước tiếp nhận lao động khác có liên quan.

-          Theo đó, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lao động cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được Bộ Luật lao động 2012, 2019, Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định như sau:

1.      Điều 168 Bộ Luật lao động 2012; Điều 150 Bộ Luật lao động 2019 (hiệu lực 01/01/2021) quy định:

“1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Công dân Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao hoặc làm việc cho cá nhân là công dân nước ngoài tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam và được pháp luật bảo vệ.

 2.      Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định như sau:

-         “Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là người lao động đi làm việc ở nước ngoài) là công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này”

  1. Như vậy có thể thấy Pháp luật Việt Nam về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có phạm vi điều chỉnh đối với các quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng lao động và người lao động trước khi xuất cảnh và sau khi nhập cảnh vào Việt Nam. Pháp luật Việt Nam đã điều chỉnh tốt trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giữa người lao động và bên cung ứng lao động như các quy định về thu hồi giấy phép của các tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình hoạt động tổ chức theo các Nghị định và Thông tư được ban hành kèm theo.
  2. Việt Nam còn là thành viên trong Tổ chức lao động Thế Giới và đã ký nhiều Điều ước Quốc tế song phương, đa phương giữa các quốc gia tạo nền tảng Pháp lý cho sự hợp tác lao động giữa Việt Nam và nước khác Tuy nhiên Pháp luật Việt Nam còn chưa xây dựng được hành lang pháp lý đầy đủ bảo vệ người lao động khi đang lao động tại nước tiếp nhận dẫn đến nhiều vấn đề bất cập và khó khăn cũng như là những rủi ro mà người lao động Việt Nam có thể mắc phải khi lao động tại nước ngoài.

 

B.     Trường hợp xuất khẩu lao động là bất hợp pháp:

1.    Theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động môi giới, tư vấn, xuất khẩu lao động thì tổ chức, cá nhân phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có giấy đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này, có đăng ký với Sở ngoại vụ, Sở LĐTB&XH và thực hiện hoạt động tư vấn, môi giới, xuất khẩu lao động theo đúng quy định pháp luật dưới sự quản lý của Nhà nước.

2.    Trường hợp cá nhân, tổ chức không có đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện thực hiện hoạt động tư vấn, xuất khẩu lao động theo quy định pháp luật mà vẫn nhận tiền, hồ sơ của người khác với những hứa hẹn đưa đi nước ngoài nhưng không thực hiện được thủ tục, cũng không trả lại tiền hoặc làm giả hồ sơ, tài liệu hoặc bằng các thủ đoạn khác để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép thông qua các con đường như du lịch, thăm thân, vượt biên ... thì được xem là xuất khẩu lao động bất hợp pháp

3.    Chế tài của Pháp luật Việt Nam trong trường hợp trên được quy định theo tính chất và hành vi của vụ việc như sau:

    • Đối với trường hợp cá nhân, tổ chức không có đăng ký kinh doanh, không đủ điều kiện thực hiện hoạt động tư vấn, xuất khẩu lao động theo quy định pháp luật mà vẫn nhận tiền, hồ sơ của người khác với những hứa hẹn đưa đi nước ngoài nhưng không thực hiện được thủ tục, cũng không trả lại tiền thì được xem là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 tại Điều 174
    • Đối với trường hợp giả hồ sơ, tài liệu hoặc bằng các thủ đoạn khác để đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép thông qua các con đường như du lịch, thăm thân, vượt biên hoặc sau khi xuất khẩu lao động tìm cách trốn ở được ở lại tại nước tiếp nhận thì có dấu hiệu của Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Trường hợp 39 thi thể trên container tại Anh Pháp luật Việt Nam đã điều tra và khởi tố 7 bị can theo nội dung này.

 

C.    Vậy người lao động cần làm gì để được Pháp luật bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình khi có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động?

-          Thị trường lao động tại nước ngoài luôn được xem là thị trường lao động đáng mơ ước ngày càng có xu hướng phát triển, tuy nhiên người có mong muốn tham gia lao động tại nước ngoài phải nắm được những vấn đề pháp lý xoay quanh câu chuyện này, quyền và lợi ích hợp pháp của mình được Pháp luật Việt Nam bảo vệ như thế nào.

-          Chọn những tổ chức tổ chức, cá nhân đáng tin cậy và phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có giấy đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này, có đăng ký với Sở ngoại vụ, Sở LĐTB&XH và thực hiện hoạt động tư vấn, môi giới, xuất khẩu lao động theo đúng quy định pháp luật dưới sự quản lý của Nhà nước.

-          Tìm hiểu thật kỹ và cảnh giác với những người môi giới để tránh trường hợp lừa đảo. Trường hợp ngoài khả năng của mình thì nên cần đến sự tư vấn của đội ngũ Luật gia, Luật sư …

-          Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn về ngành nghề lao động, ngôn ngữ cơ bản của Quốc gia tiếp nhận lao động.

-          Người có nguyện vọng tham gia lao động nước ngoài phải tìm hiểu kỹ hợp đồng ký kết giữa mình và các chủ thể đưa đi và chủ thế tiếp nhận về các chính sách làm việc như: tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm việc tại đâu, trong thời gian bao lâu, có những chính sách gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

-           Tham gia lao động minh bạch, đầy đủ giấy tờ tùy thân và chuẩn bị tinh thần cho sự khác biệt về văn hóa, quy định Pháp luật, ngôn ngữ, kỷ luật …

TrienLuatLaw.